Nhận tiền chuyển nhượng phần thừa kế nhưng không ký giấy tờ thì phải làm thế nào

Câu hỏi của khách hàng: Nhận tiền chuyển nhượng phần thừa kế nhưng không ký giấy tờ thì phải làm thế nào

Các bác tư vấn giúp em trường hợp này với ạ :
Bà A,B và C được hưởng quyền thừa kế từ cha mẹ 1 lô đất 240m2. Vào năm 2009, bà B cần tiền nói bà A thối tiền tương ứng với số đất bà B được thừa kế. Bà A thối tiền cho B nhưng không đưa 1 lần, khi nào bà B cần tiền mới nói bà A đưa và không ký xác nhận. Số tiền đưa bao nhiêu là do bà B nói ra để bà A đưa. Năm 2013, bà C nói bà B ký sang tên trên sổ đỏ qua A đứng luôn (ban đầu sổ do 3 bà đứng tên). Đến năm 2018, bà B tính lại và nói bà A chưa đưa đủ tiền thối, chỉ mới đưa được 300 triệu = 10m2 đất (so vào thời điểm năm 2009, bà B tự tìm hiểu khi hỏi giá nhà ) rồi quy số tiền còn thiếu ra số đất rồi tính theo giá hiện hành. Nhưng bà B chưa chứng minh được số tiền thối lại lúc trước là có đúng 300 triệu không.
Vậy, các bác cho em hỏi. Theo lý thì giải quyết như thế nào và theo tình thì giải quyết như thế nào?
Em cảm ơn ạ.


Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự  – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 18/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng không có giá cụ thể

Bộ luật dân sự năm 2005

3./ Luật sư trả lời Nhận tiền chuyển nhượng phần thừa kế nhưng không ký giấy tờ thì phải làm thế nào

Theo thông tin bạn cung cấp thì ba người A, B và C là người có quyền thừa kế đối với quyền sử dụng mảnh đất rộng 240 mét vuông. Vì lý do tài chính, bà A và bà B thỏa thuận với nhau về việc bà B sẽ bán số đất thuộc quyền sử dụng mà mình được thừa kế cho bà A nhưng hai bên chưa thỏa thuận rõ số tiền giao dịch. Tới nay, bà A và bà B có mâu thuẫn ới nhau về giá chuyển nhượng quyền trên.

Trong trường hợp của bạn, bạn cần cung cấp thêm những thông tin để làm rõ vấn đề về việc hợp đồng mua bán quyền quyền sử dụng đất giữa bà A với bà B có hợp pháp và phát sinh hiệu lực pháp luật không.

Dựa trên thông tin bạn cung cấp thì việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của B sang cho A được thực hiện dưới tư cách chủ sở hữu hợp pháp quyền sử dụng đất mà không phải dưới dạng văn bản thỏa thuận việc chia thừa kế (do A, B, C được xác định là 3 chủ sở hữu của tài sản, là chủ thể đứng tên trên Giấy chứng nhận).

Nhưng, việc chuyển nhượng giữa A và B lại không được lập thành văn bản, có công chứng/chứng thực theo quy định của pháp luật tại thời điểm năm 2009- thời điểm thỏa thuận việc chuyển nhượng. Nên, về mặt pháp lý, thỏa thuận giữa A và B không đủ điều kiện để phát sinh hiệu lực. Nói cách khác, hợp đồng bị coi là vô hiệu, do đó, theo quy định tại Điều 137 Bộ luật dân sự năm 2005, giao dịch giữa A và B sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. A và B có trách nhiệm khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Theo đó, B sẽ trả lại số tiền mà A đã đưa cho B mà không phải thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng phần đất trên như đã thỏa thuận.

Tuy nhiên, theo thông tin bạn đưa ra thì năm 2013, bà B và bà A đã thực hiện việc sang tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên, nên, về mặt pháp lý, sau thời điểm này, bà A đã được xác định là chủ sử dụng đất hợp pháp đối với phần đất thuộc quyền sử dụng của bà B trước đó. Trong trường hợp này, hợp đồng giữa A và B về việc mua bán quyền sử dụng đất được coi là có hiệu lực pháp luật, và các bên có nghĩa vụ thực hiện đúng nghĩa vụ mà các bên đã thỏa thuận.

Nhưng, tới năm 2018, bà B lại không đồng ý về mức giá chuyển nhượng trước đó (theo như bà B nói là 300 triệu đồng) nên đã yêu cầu bà A trả thêm một số tiền nữa tính theo giá đất hiện nay. Việc này là không hợp pháp, bởi, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất là do chính các bên thỏa thuận, không có một giá cụ thể nào mà các bên phải tuân theo cả. Giá được áp dụng theo khung chỉ là giá được Nhà nước áp dụng để tính tiền đền bù khi thu hồi đất, tính thuế trong các trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không phải giá sàn cho các hoạt động mua bán.

Khi bà A thực hiện đúng thỏa thuận rằng “khi nào bà B cần tiền mới nói bà A đưa” sẽ là căn cứ hoàn thành việc chuyển nhượng. Chấm dứt hợp đồng giữa các bên.

Tuy nhiên, bà A vẫn có thể chi trả thêm một số tiền mà mình cho là phù hợp cho bà B để giảm bớt căng thẳng giữa hai bên. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, một trong hai bên hoặc cả hai bên có thể yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Dựa trên những tài liệu, chứng cứ chứng minh giao dịch của hai bên cũng như việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên mà A và B cung cấp được cho Tòa, Tòa án sẽ có quyết định giải quyết sao cho quyền và lợi ích hợp pháp của các bên được đảm bảo nhất.

Vậy, để xác định ai đúng ai sai trong trường hợp này, bạn cần xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh từ hợp đồng chuyển nhượng trước đó của bà A và bà B. Trong trường hợp bà A được xác lập quyền sử dụng đất một cách hợp pháp, bà B không có nghĩa vụ phải trả số tiền phát sinh thêm theo yêu cầu của bà B tại năm 2018 trái với thỏa thuận trước đó của hai người.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191