Một số vấn đề về cấu trúc, vật quyền và trái quyền trong Bộ Luật Dân sự Đức mà Việt Nam có thể tham khảo

Một số vấn đề về cấu trúc, vật quyền và trái quyền trong Bộ luật Dân sự Đức mà Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005

 Bộ luật Dân sự Đức được ban hành năm 1896 gồm có 2385 Điều và đã trải qua 2 lần sửa đổi quan trọng (năm 1977 và năm 2002) trong vòng 116 năm (do yêu cầu sửa đổi liên quan đến quyền bình đẳng nam nữ và yêu cầu sửa đổi khi gia nhập liên minh Châu Âu). Bộ luật Dân sự Đức được đánh giá là một Bộ luật có sự ảnh hưởng lớn và đã được nhiều nước tham khảo trong quá trình soạn thảo và sửa đổi Bộ luật Dân sự của mình. Sau đây là một số vấn đề cơ bản của Bộ luật Dân sự Đức mà Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005.

I. Cấu trúc của Bộ luật dân sự Đức (BLDS Đức)

BLDS Đức gồm 5 quyển, bao gồm: Quyển 1 là những quy định chung; Quyển 2 là những quy định về trái quyền; Quyển 3 là những quy định về vật quyền; Quyển 4 là những quy định về hôn nhân và gia đình; Quyển 5 là những quy định về thừa kế. Trong đó, mỗi quyển chia thành phần, chương, mục.

Về cấu trúc của Bộ luật, thông thường thế giới có hai trường phái pháp điển hóa Bộ luật dân sự, đó là trường phái cấu trúc theo kiểu Institutiones – tập trung vào chức năng của chế định và trường phái cấu trúc theo kiểu Pandekten – cấu trúc các quy định mang tính lý luận. BLDS Pháp (Institutiones) và Đức (Pandekten) là tiêu biểu cho việc áp dụng hai phương thức này. Việc một BLDS nào đó như BLDS Việt Nam lựa chọn phương thức nào là tuỳ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh xã hội, không một phương thức nào có thể giải quyết được tất cả những gì được mong đợi. Không như Bộ luật dân sự một số nước (Pháp, Nhật Bản…) đưa những quy định về vật quyền lên trước những quy định về trái quyền, Bộ luật dân sự Đức sắp xếp hai phần này theo thứ tự ngược lại, nghĩa là những quy định về trái quyền được quy định trước những quy định về vật quyền.

Tuy nhiên, thứ tự sắp xếp không dẫn đến sự bất cập về mặt nội dung. Cơ cấu của BLDS Việt Nam giống với BLDS Pháp và BLDS Nhật Bản, đó là các quy định về các vấn đề mang tính vật quyền được đặt trước phần quy định về các vấn đề mang tính trái quyền. Theo quan điểm của Đức, bản thân vật quyền, trái quyền có sự đan xen lẫn nhau. Vật quyền, chuyển dịch quyền, thụ đắc quyền, mất quyền còn liên quan đến cả quá trình thực hiện quyền đó, liên quan đến quy định về sử dụng, chiếm giữ tức là vận dụng quy định trái quyền để bảo vệ vật quyền. Do đó, trái quyền có ưu thế tổng quan hơn nên đưa lên trước.

Một số vấn đề sau đây có thể được xem là những vấn đề mà Việt Nam đang còn có nhiều quan điểm khác nhau và còn có sự lúng túng trong quá trình sửa đổi Bộ luật của mình.

* Quyền nhân thân

BLDS nằm trong hệ thống luật tư và đối diện với nó là luật công mà vẫn thường hay được gọi là tư pháp và công pháp (điều chỉnh mối quan hệ giữa Nhà nước và tư nhân hoặc giữa các tổ chức Nhà nước với nhau). Quyền nhân thân có tính chất là quyền cơ bản của con người và thường được quy định trong Hiến pháp như các quyền được quy định từ Điều 24 đến Điều 51 BLDS Việt Nam (quyền đối với họ, tên; quyền xác định dân tộc; quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể…). Do vậy, cần nghiên cứu xem có cần thiết quy định trong BLDS hay không. Thực chất đây là những quy định liên quan đến pháp luật công, không nên đưa vào BLDS vì ít có yếu tố dân sự. Nếu điều chỉnh những vấn đề liên quan đến pháp luật công như vậy sẽ bị chi phối thường xuyên bởi các quyết định chính trị.

Pháp luật dân sự cổ của Đức có sự pha trộn giữa pháp luật công và pháp luật tư và đã bị coi là không tốt. Qua công tác xét xử của thẩm phán người ta nhận thấy rằng cần phải có sự thay đổi. Nguyên tắc của pháp luật dân sự là quyền tự chủ của các bên tham gia quan hệ dân sự mà pháp luật công không có. Nếu trộn lẫn pháp luật công và pháp luật tư thì pháp luật sẽ chịu chi phối bởi cả 2 nguyên tắc. Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy cần phải có sự tách biệt giữa 2 nguyên tắc, BLDS chỉ nên quy định những vấn đề thuần túy dân sự.

* Chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự

Chủthể trong quan hệ dân sự bao gồm thể nhân và pháp nhân. Những quy định về vấn đề này của Đức cũng tương tự như Việt Nam, tuy nhiên có một số điểm khác.

Đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp, theo yêu cầu của liên minh Châu Âu, thời gian qua Đức ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng, trong đó liên quan nhiều đến vấn đề về người tiêu dùng và doanh nghiệp. Những vấn đề này có nên đưa vào phần chung của BLDS VN không hay để luật chuyên ngành quy định cũng là một vấn đề cần nghiên cứu, xem xét.

Ở Đức có hai loại hình pháp nhân, pháp nhân theo pháp luật tư và pháp nhân theo pháp luật công. Công ty cổ phần, công ty TNHH cũng thuộc pháp luật tư nhưng được điều chỉnh bởi các luật chuyên biệt điều chỉnh riêng về loại hình công ty này. Các loại hình công ty này theo pháp luật Đức là các pháp nhân công, do đó không được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự. Đối với pháp nhân công có yếu tố pha trộn giữa pháp luật tư và pháp luật công nên các nhà làm luật cố gắng đưa ra khỏi Bộ luật dân sự, BLDS chỉ điều chỉnh những quan hệ dân sự thuần tuý. Vì BLDS không điều chỉnh những pháp nhân công nên cũng không điều chỉnh những vấn đề liên quan đến đặc quyền của những pháp nhân công này, ví dụ: đặc quyền về sở hữu hay những đặc quyền trong lĩnh vực khác. Nói chung, BLDS không điều chỉnh những vấn đề liên quan đến pháp nhân công.

Đức có một loại chủ thể là công ty của pháp luật tư – partnership agreement và được điều chỉnh bởi Điều 705 BLDS Đức. Đây là một loại hình đặc biệt, không hẳn là pháp nhân mà có sự pha trộn giữa thể nhân và pháp nhân. Các thành viên ký hợp đồng thành lập công ty, cùng theo đuổi mục đích chung (ví dụ: mở cửa hàng bán đồ ăn, quần áo…). Người ta không muốn thành lập một công ty lớn như công ty cổ phần hay công ty TNHH. Đặc điểm của loại hình công ty pháp luật tư là những tài sản nộp vào công ty là tài sản chung hợp nhất của các thành viên (không phải tài sản công ty, không sở hữu theo phần). Công ty này không có năng lực pháp luật (không phải là pháp nhân) và có thể đi kiện hoặc bị kiện.

Theo quy định của BLDS VN thì có hai chủ thể đặc biệt, đó là hộ gia đình và tổ hợp tác xã. Theo pháp luật Đức, hộ gia đình không phải là chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự. Những thành viên trong gia đình mới là chủ thể quan hệ pháp luật dân sự, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình do pháp luật về hôn nhân, gia đình điều chỉnh. Tuy nhiên, trong lĩnh vực pháp luật công, pháp luật hành chính thì gia đình có thể xuất hiện trong quan hệ pháp luật. Ví dụ, những gia đình nghèo được Nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện về chỗ ở. Trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, trẻ em là thành viên trong gia đình. Khi đến một lứa tuổi nhất định nào đó thì đứa trẻ đó không được tính là thành viên trong gia đình nữa. Số lượng thành viên trong gia đình là cơ sở xác định hộ nghèo. Khi nhà nước trợ cấp thì trợ cấp cho từng thành viên trong gia đình. Những người không làm thủ tục kết hôn nhưng vẫn sống cùng với nhau trong nhà thì cũng được coi là thành viên hộ gia đình.

Vấn đề hôn nhân gia đình cần phải được pháp luật quy định nhưng quy định ở đâu thì trên thế giới không có sự thống nhất, xuất phát từ 2 quan điểm sau: (1) Những quan hệ của vợ chồng chủ yếu mang tính dân sự nên được pháp luật dân sự bảo vệ (2) Gia đình là tế bào của xã hội (quan điểm của các nước XHCN trước đây) nên được sự quan tâm của nhà nước chứ không thể là một quan hệ dân sự. Do đó, các nước XHCN thường có Luật hôn nhân, gia đình điều chỉnh riêng. Trong Luật hôn nhân, gia đình của CHDC Đức trước đây cũng không điều chỉnh hết những quan hệ trong gia đình, có pháp luật riêng (pháp luật về phân phối nhà ở cho gia đình, vợ chồng sở hữu chung) điều chỉnh quan hệ tài sản giữa vợ chồng. Đức cho rằng gia đình có thể được nhận sự bảo trợ của Nhà nước nhưng các quan hệ trong gia đình là quan hệ thuần túy dân sự nên cần được pháp luật dân sự điều chỉnh như quan hệ giữa vợ – chồng, cha mẹ – con cái, hoặc những quan hệ giữa những người thân thích…

Nếu coi hộ gia đình là một chủ thể đặc biệt thì trong pháp luật về vật quyền (ví dụ: lĩnh vực đất đai) sẽ phát sinh rất nhiều hậu quả xảy ra. Nếu không giải quyết tốt vấn đề hộ gia đình sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quy định về vật quyền liên quan đến chính sách giao đất cho hộ gia đình của Việt Nam hiện nay trong khi hộ gia đình là một chủ thể không xác định được do thành viên hộ gia đình luôn biến động.

II. Vật quyền

Vật quyền được hiểu là quyền của một người đối với một vật, là quyền chi phối trực tiếp của người đó đối với vật.Vật quyền là quyền tuyệt đối, áp dụng đối với tất cả mọi người. Trong các loại vật quyền được quy định tại Bộ luật dân sự Đức thì quyền sở hữu là loại vật quyền chính. Những loại vật quyền khác là sự độc lập hoá theo mục đích của quyền sở hữu, là những bộ phận của quyền sở hữu, theo chức năng của quyền sở hữu. Chức năng của quyền sở hữu là việc khai thác, sử dụng vật, do đó quyền hưởng dụng được coi là một vật quyền để có thể thực hiện độc lập, có thể chuyển giao cho người khác khai thác, sử dụng.

Quy định vật quyền sẽ tăng cường tính ổn định của pháp luật, đồng thời bảo vệ các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Pháp luật Đức chia vật quyền làm 2 loại: vật quyền về nội dung và vật quyền về hình thức. Vật quyền về nội dung được quy định tại BLDS và một số đạo luật khác, ví dụ: Luật về sở hữu căn hộ; Luật về xây dựng trên đất của người khác và một số luật liên quan phát sinh do quá trình thống nhất nước Đức. Vật quyền hình thức có nhiều cấp bậc, ]ợc quy định trong các luật như Luật về đăng ký bất động sản là đạo luật của liên bang và Luật liên quan đến thủ tục định đoạt bất động sản hướng dẫn thi hành Luật về đăng ký bất động sản và chế độ bất động sản được quy định chi tiết hơn do Bộ Tư pháp liên bang được Quốc hội giao quyền ban hành và một số Luật của các bang điều chỉnh vật quyền hình thức.

Bộ luật dân sự Đức không có khái niệm tài sản vì có rất nhiều loại hình tài sản khác nhau theo sự phát triển của xã hội mà pháp luật không thể điều chỉnh kịp, dẫn đến mất tính bền vững của BLDS. Trong phần vật quyền, BLDS Đức chỉ đưa ra khái niệm vật. Cách đây 20 năm, có một vấn đề liên quan đến súc vật, có những súc vật liên quan đến tình cảm con người, gần với con người nên không được coi là vật. Do đó, chia súc vật thành 2 loại: vật và không phải vật (vận dụng tương tự pháp luật về vật đối với súc vật không được coi là vật).

1. Một số nguyên tắc chính về pháp luật vật quyền:

Nguyên tắc trìu tượng và tách biệt, đây là đặc trưng của pháp luật Đức mà hệ thống pháp luật các nước khác không có. Nguyên tắc tách biệt chia giao dịch về xác định nghĩa vụ theo quan hệ trái vụ và giao dịch về vật quyền. Ví dụ, liên quan đến hợp đồng mua bán, trong giao dịch trái quyền, người mua thỏa thuận sẽ có nghĩa vụ giao tiền cho người bán, người bán thoả thuận sẽ có nghĩa vụ giao vật cho người mua, đó là thoả thuận về trái quyền. Trong giao dịch vật quyền, các bên thoả thuận rằng việc sở hữu vật sẽ chuyển dịch từ bên bán sang cho bên mua, việc chuyển dịch này được pháp luật vật quyền điều chỉnh riêng. Tính trìu tượng ở đây là tách giao dịch vật quyền ra khỏi trái quyền. Trong một số trường hợp, trái quyền có vô hiệu nhưng vật quyền vẫn có hiệu lực, ví dụ: một hợp đồng mua bán sau khi đã được ký kết mới phát hiện ra một bên không có năng lực hành vi thì hợp đồng vô hiệu nhưng giao dịch vật quyền (chuyển xong quyền sở hữu) vẫn có hiệu lực.

Nguyên tắc công khai, giao dịch vật quyền đòi hỏi phải có sự thống nhất với nhau về chuyển quyền sở hữu từ người này sang người kia và có sự chuyển giao vật trực tiếp. Ở đây có sự khác giữa việc chuyển dịch quyền sở hữu giữa động sản và bất động sản: đối với động sản, thỏa thuận chuyển giao vật và thực tế có giao vật (chuyển quyền chiếm giữ, vật được giao từ người bán sang người mua đã thay đổi sự chiếm giữ); đối với bất động sản, thời điểm đăng ký vào sổ địa bạ được coi như là giao vật. Đó là cách thức công khai hoá về chuyển dịch thực tế quyền sở hữu. Pháp luật quy định nhiều hình thức chiếm giữ khác nhau, ví dụ: trường hợp người mua (người thụ đắc) đã có vật trong tay thì việc chuyển dịch quyền sở hữu giữa người mua với người bán không nhất thiết phải có bước thứ hai là chuyển giao vật mà chỉ cần có sự thoả thuận. Trong trường hợp vật nằm trong tay người thứ ba thì việc chuyển giao vật từ người bán sang người mua được thực hiện theo hình thức chuyển quyền yêu cầu đòi người thứ ba chuyển giao vật sang người mua. Để an toàn cho giao dịch pháp lý thì phải có sự công khai, sự công khai đối với động sản là hình thức chuyển giao vật.

Nguyên tắc tuyệt đối, đây là nguyên tắc chống lại sự tác động, sự gây rối loạn của người khác đối với vật.

Nguyên tắc luật định, các bên không thể sáng tạo ra được, các bên không thể thỏa thuận nội dung vật quyền mà chỉ có luật quy định.

2. Vật quyền bảo đảm nghĩa vụ:

Một trong những biện pháp bảo đảm nghĩa vụ theo pháp luật Đức là thế chấp và nợ điền địa. Nợ điền địa khác thế chấp ở chỗ nó tồn tại không phụ thuộc quyền yêu cầu của chủ nợ, được vận dụng linh hoạt trong nhiều trường hợp. Ví dụ, một người vay ngân hàng một nghìn euro và mang đất của mình đi đảm bảo cho khoản nợ. Thông thường có hai cách để đảm bảo đó là thế chấp hoặc nợ điền địa. Đối với thế chấp thì sau mỗi lần người vay trả tiền (trả tiền làm nhiều đợt) giá trị của việc thế chấp sẽ giảm dần (nghĩa vụ của người vay đối với ngân hàng sẽ giảm dần tuỳ thuộc vào số tiền họ trả), tuy nhiên, đối với nợ điền địa thì nghĩa vụ này không được trừ dần, nó vẫn tồn tại nguyên vẹn cho đến khi người vay trả đến đồng tiền cuối cùng. Nợ điền địa không phụ thuộc vào quyền yêu cầu của con nợ và chủ nợ. Nợ điền địa là việc dùng một mảnh đất để bảo đảm cho một nghĩa vụ. Nội dung của quyền này được điều chỉnh bởi một thỏa thuận giữa chủ sở hữu đất và ngân hàng, mảnh đất đảm bảo cho một khoản nợ nào đấy được chỉ rõ. Thoả thuận chỉ rõ, thửa đất đảm bảo cho quyền yêu cầu. Khi mà có đơn yêu cầu ghi vào sổ địa bạ sự bảo đảm nợ điền địa này, nhà băng có quyền bảo đảm bằng thửa đất đó. Cùng với việc đưa đơn yêu cầu đăng ký sổ địa bạ, ngân hàng có thể xuất tiền cho vay và cùng thời điểm đó, ngân hàng được bảo đảm nghĩa vụ bằng thửa đất đó. Khi ngân hàng cho một người nào đó vay, ngân hàng có quyền yêu cầu đòi nợ người đó, quyền yêu cầu đòi nợ giữa ngân hàng và người vay có thể chuyển dịch sang một người thứ ba nhưng việc chuyển dịch quyền yêu cầu này không ảnh hưởng đến việc bảo đảm nợ điền địa đã được đăng ký trong sổ địa bạ đối với mảnh đất đó. Trường hợp con nợ được chuyển dịch từ người này sang người khác nhưng ngân hàng vẫn được bảo đảm bằng thửa đất đã đăng ký. Như vậy, đây là lợi thế của chế định bảo đảm nợ điền địa. Ví dụ, ông A có một mảnh đất bảo đảm nợ điền địa với ngân hàng, ông A chuyển dịch khoản nợ ngân hàng này cho người khác; mảnh đất của ông A vẫn phải chịu bảo đảm nợ điền địa. Như vậy, dưới góc độ kinh tế, chế định nợ điền địa rất thuận lợi cho ngân hàng.

Như vậy, sự khác biệt cơ bản giữa thế chấp và nợ điền địa đó là trong trường hợp thế chấp, sự tồn tại của thế chấp luôn phụ thuộc sự tồn tại quyền yêu cầu. Quyền thế chấp phát sinh khi có quyền yêu cầu, quyền yêu cầu đã có rồi thì mới có thế chấp, khi trả nợ thì quyền yêu cầu mất đi và khi đó thế chấp cũng mất đi. Đối với nợ điền địa, khi đã ghi trong sổ địa bạ thì nợ điền địa luôn tồn tại bất luận khoản nợ đã thanh toán hay chưa, nếu thanh toán rồi thì các bên có thể thoả thuận để bảo đảm cho một khoản nợ khác thay thế vào đấy, tức là tồn tại không phụ thuộc quyền yêu cầu. Ví dụ, chủ sở hữu thế chấp mảnh đất cho ngân hàng A bảo đảm cho một khoản nợ tồn tại trong 5 năm, thế nhưng trong khoảng thời gian 2 năm bên nợ đã thanh toán rồi thì trong trường hợp này thế chấp cũng chấm dứt. Nếu 5 năm sau chủ sở hữu mảnh đất lại cần một khoản tín dụng khác tại ngân hàng A thì lại phải thế chấp. Nếu trong khoảng thời gian 3 năm sau khi đã trả khoản nợ tại ngân hàng A, người vay lại thế chấp ở một ngân hàng B để vay một khoản tiền khác thì thứ tự ưu tiên đối với khoản nợ của ngân hàng A (vay sau 5 năm) sẽ thấp hơn so với khoản nợ vay tại ngân hàng B. Như vậy, thứ tự ưu tiên kém hơn thì quyền bảo đảm sẽ kém hơn. Trường hợp mảnh đất bị cưỡng chế bán đấu giá thì rõ ràng thứ tự ưu tiên cao hơn sẽ có lợi hơn. Nếu đăng ký theo “nợ điền địa” thì khoản nợ bảo đảm bằng nợ điền địa sẽ không bị mất đi nếu giữa chừng quyền yêu cầu chấm dứt. Chính vì lẽ đó, người Đức thường sử dụng biện pháp nợ điền địa nhiều hơn biện pháp thế chấp. 

3. Quyền địa dịch:

Đây là một vật quyền của chủ sở hữu bất động sản đối với bất động sản liền kề. Quyền địa dịch có thể là: (1) quyền được  sử dụng thửa đất lân cận trong một số quan hệ nhất định (quyền được đi qua, quyền mắc đường dây tải điện, điện thoại, dẫn nước…); hoặc (2) cam kết không thực hiện một số hành vi nhất định nào đấy mà có thể gây ảnh hưởng đến bất động sản lân cận (cam kết khi xây dựng công trình trên đất sẽ dành một khoảng cách nhất định đối với mảnh đất khác); hoặc (3) chủ sở hữu bất động sản phải chịu đựng một việc gì đó, tự nguyện không thực hiện một số hành vi nhất định mà người ta có quyền trong phạm vi sở hữu của mình: gây tiếng động, để cành cây chìa sang đất nhà hàng xóm…

Quyền địa dịch phát sinh khi thỏa thuận và được đăng ký vào sổ địa bạ. Điểm này rất quan trọng khi người khác thụ đắc mảnh đất, họ sẽ biết mình có quyền và nghĩa vụ gì đối với mảnh đất và người mua có thể đánh giá giá trị của mảnh đất. Khi đó quyền địa dịch, hoặc chịu đựng một vấn đề gì đấy hoặc không được phép thực hiện một hành vi nào đấy cũng sẽ chuyển dịch sang người mua.Pháp luật cho phép cả trường hợp quyền địa dịch có thể xác lập cho một số người nhất định, khi chuyển dịch địa dịch người nhận chuyển dịch không phải chịu nghĩa vụ đó, trường hợp không xóa vật quyền trong sổ địa bạ thì đương nhiên nghĩa vụ vẫn còn tồn tại.

4. Thủ tục pháp lý khi mua bán đất đai

 Ở Đức cơ chế đăng ký rất chặt chẽ, cơ chế đăng ký tuyệt đối – điều kiện cho giao dịch vật quyền có hiệu lực. Việc mua bán bất động sản được thực hiện thông qua hợp đồng. Hợp đồng mua bán do công chứng viên soạn thảo được công chứng tại bất cứ đâu, không phụ thuộc vào địa hạt. Khi hợp đồng được ký một giao dịch trái quyền phát sinh, một bên có nghĩa vụ giao đất, một bên có nghĩa vụ trả tiền và cũng phát sinh một giao dịch vật quyền. Sau khi ký hợp đồng, hai bên tự mình hoặc nhờ công chứng viên đến xem sổ địa bạ để xác định những vật quyền liên quan đến mảnh đất. Công chứng viên sẽ xem xét tình trạng pháp lý ghi trong sổ địa bạ và giải thích hậu quả phát sinh sau khi hợp đồng được công chứng. Hợp đồng có thể được ký tại bất cứ đâu miễn là có mặt các bên.

Giao dịch vật quyền chưa thực hiện ngay mà có một khoảng thời gian xem xét, ví dụ: xét xem mảnh đất có rơi vào trường hợp nhà nước có quyền mua trước hay không hoặc có phải nộp thuế hay không, có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay không…Trong giai đoạn này công chứng viên phải làm rất nhiều việc để bảo đảm an toàn pháp lý cho hai bên, trong đó đảm bảo quyền lợi cho người mua khi trả tiền sẽ được quyền sở hữu mảnh đất. Để bảo đảm quyền lợi của người mua trong trường hợp phải chờ đợi như vậy, có hai cách giải quyết:

(1) người mua gửi tiền vào một tài khoản riêng của công chứng viên dành cho khách hàng và công chứng viên sẽ trả tiền cho người bán khi khả năng người mua là chủ sở hữu đã chắc chắn rồi và tên người mua được ghi chú trước trong sổ địa bạ, điều kiện trở thành chủ sở hữu đã được thực hiện.

(2) Người mua không phải gửi tiền vào một tài khoản riêng của công chứng viên mà khi nào công chứng viên thấy đã đảm bảo an toàn pháp lý thì thông báo cho người mua trả tiền cho người bán. Như vậy, công chứng viên giám sát toàn bộ quá trình này để bảo đảm an toàn pháp lý cho hai bên. Việc đăng ký được thực hiện theo sổ địa bạ do cơ quan đăng ký sổ địa bạ nằm trong Tòa án thực hiện.

Những người làm trong bộ phận này gọi là nhân viên đăng ký, mỗi nhân viên đăng ký chịu trách nhiệm trong một địa hạt nhất định. Công chứng viên có thể công chứng tại mọi nơi nhưng phải đến cơ quan đăng ký địa bạ tại địa hạt có mảnh đất để kiểm tra, xem xét. Hồ sơ đăng ký gồm có hợp đồng, đơn yêu cầu (giấy ủy quyền làm đơn yêu cầu của công chứng viên trong trường hợp công chứng viên làm đơn yêu cầu), những giấy tờ, giấy phép của nhà nước. Nếu có những vấn đề khác có liên quan thì công chứng viên phải thu thập giấy tờ để lưu hồ sơ. Khi thỏa thuận hợp đồng (giao dịch trái quyền) và khi thống nhất với nhau về chuyển dịch quyền sở hữu (giao dịch vật quyền) thì các bên đều phải có mặt khi công chứng viên công chứng hợp đồng.

Thực hiện đăng ký xong thì cơ quan đăng ký thông báo cho các bên có quyền, nghĩa vụ liên quan về những thay đổi trong sổ địa bạ mà không phải cấp bất cứ một giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu nào. Chủ sở hữu thửa đất hoặc chủ sở hữu vật quyền liên quan đến thửa đất có quyền đến cơ quan đăng ký yêu cầu sao trích lục nội dung ghi trong sổ địa bạ liên quan đến mảnh đất.

Trong quá trình sửa đổi BLDS 2005, nhóm chuyên gia soạn thảo cũng đã dự kiến đưa ra hai phương án: đăng ký là điều kiện để giao dịch vật quyền có hiệu lực hoặc đăng ký để đối kháng với bên thứ ba. Mặc dù cơ chế đăng ký tuyệt đối là tốt và có nhiều ưu điểm, tuy nhiên, việc lựa chọn phương án nào còn phải nghiên cứu, cân nhắc cụ thể, phụ thuộc vào hệ thống đăng ký và điều kiện, hoàn cảnh xã hội của Việt Nam.

II. Pháp luật về trái quyền (nghĩa vụ dân sự và hợp đồng)

Trái quyền theo pháp luật Đức được hiểu là hành vi của một người có năng lực pháp luật làm phát sinh một hậu quả pháp lý nhất định. Luật trái quyền Đức chia làm 2 phần chính: quy định chung (thực hiện quyền như thế nào, trách nhiệm do không thực hiện, thực hiện không đúng, chậm…) áp dụng chung cho các quan hệ trái vụ khác ở phần sau; quy định riêng (dạng quan hệ trái vụ cụ thể gồm các hợp đồng cụ thể). Phần quy định riêng chỉ quy định những gì do tính chất đặc thù của nó mà khác với những quy định ở phần chung.       

1. Trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ trong quan hệ hợp đồng

Vi phạm nghĩa vụ

Theo pháp luật Đức thì vi phạm nghĩa vụ (vi phạm hợp đồng) là việc một bên đương sự có những hành vi không phù hợp với những gì đã thoả thuận ban đầu. Việc vi phạm nghĩa vụ có tính chất khách quan và không nên đánh đồng với việc có lỗi. Hiện nay hầu như cả thế giới đều có cách thức xác định vi phạm nghĩa vụ như vậy, ví dụ như Công ước viên về mua bán hàng hoá quốc tế cũng dựa trên cơ sở vi phạm nghĩa vụ (vi phạm khách quan). Dự thảo Luật dân sự liên minh châu âu hay quy định của Unidroit cũng dựa trên nguyên tắc vi phạm nghĩa vụ một cách khách quan. Pháp luật Đức trước đây quy định rất phức tạp nhưng từ năm 2000 trở lại đây đã có những thay đổi và luôn đi theo nguyên tắc vi phạm nghĩa vụ. Một số dạng vi phạm nghĩa vụ điển hình như: không thi hành nghĩa vụ (hoàn tòan không thực hiện nghĩa vụ phải làm), chậm thực hiện nghĩa vụ…

 Trường hợp bên có nghĩa vụ thực hiện trước thời hạn thoả thuận và được bên có quyền chấp nhận thì coi như người đó đã thực hiện nghĩa vụ của mình (việc chậm thực hiện nghĩa vụ cũng được xử lý tương tự như vậy). Vậy trường hợp người có nghĩa vụ chỉ thực hiện một phần nghĩa vụ thì có coi là vi phạm nghĩa vụ không. Theo pháp luật Đức, con nợ không được thực hiện một phần nghĩa vụ. Tuy nhiên các toà án Đức lại bám vào nguyên tắc trung thành, tin tưởng lẫn nhau cho nên người có quyền không có quyền từ chối một phần nghĩa vụ đã được thực hiện.

Trường hợp thực hiện không đúng chất lượng cũng bị coi là vi phạm nghĩa vụ, ví dụ như thực hiện không đúng nghĩa vụ cung cấp một vật đảm bảo chất lượng như đã công bố, vi phạm nghĩa vụ bảo đảm, bảo hành… Mặt khác, không thực hiện đúng nghĩa vụ phụ cũng là một dạng thực hiện không đúng nghĩa vụ và người vi phạm cũng phải chịu trách nhiệm. Đối chiếu với BLDS hiện hành của Việt Nam thì BLDS 2005 có rất nhiều chỗ quy định về nghĩa vụ phụ và những chế tài nhất định ví dụ như Điều 444, 445, 446, 447… Để quy định tập trung lại thành nguyên tắc thì BLDS có thể sửa đổi những quy định này theo hướng: trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ phụ thì người vi phạm nghĩa vụ phụ cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình.

Hậu quả pháp lý của vi phạm nghĩa vụ

Pháp luật Đức quy định một số hậu quả pháp lý cơ bản khi vi phạm nghĩa vụ:

Rút lui khỏi quan hệ hợp đồng

Theo pháp luật của Đức, trong những hoàn cảnh, điều kiện nhất định, người có quyền có quyền rút lui khỏi quan hệ hợp đồng nếu người có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của họ. Chế định đơn phương huỷ bỏ quan hệ hợp đồng là một chế định khá mạnh mẽ. Xét về khía cạnh lợi ích kinh tế thì người ta không khuyến khích việc huỷ bỏ quan hệ hợp đồng, chính vì vậy mà các quy định của pháp luật liên minh Châu âu về mua bán hàng tiêu dùng bổ sung thêm yêu cầu: người có nghĩa vụ phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình trong một thời hạn nhất định, sau thời hạn đó mà người có nghĩa vụ vẫn không thực hiện được thì người có quyền mới được đơn phương chấm dứt quan hệ hợp đồng. Sự đơn phương thể hiện ở tuyên bố đơn phương và được tính từ thời điểm phía bên kia nhận được tuyên bố đó.

Tuy nhiên, các quy định về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng cũng đưa ra một số ngoại lệ nhất định, đó là: bên có quyền không được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu bản thân anh là người cũng có lỗi trong việc để cho người có nghĩa vụ không thực hiện được hợp đồng đó. Việc gia hạn để bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ không được áp dụng trong một số trường hợp, ví dụ nếu hợp đồng quy định một thời hạn cố định để thực hiện nghĩa vụ thì việc thực hiện nghĩa vụ đó phải được thực hiện đúng vào một thời gian cố định đã chỉ rõ trong hợp đồng. Việc gia hạn trong trường hợp đó không có ý nghĩa gì nữa. Ví dụ như việc một người đặt hoa cho ngày cưới và đã chỉ rõ ngày cụ thể nhận hoa nhưng người bán hoa giao hoa sau đó 2 ngày, lúc đó việc gia hạn là không cần thiết. Tuy nhiên, đối với nghĩa vụ thực hiện từng phần thì việc gia hạn thêm có những ý nghĩa nhất định.

Trong quá trình sửa đổi BLDS 2005, những quy định về khả năng rút lui khỏi hợp đồng cần được nghiên cứu, xem xét và quy định trong BLDS Việt Nam.

Hậu quả của việc rút khỏi quan hệ hợp đồng: thông qua tuyên bố đơn phương của một bên, khi bên vi phạm nhận được tuyên bố chấm dứt hợp đồng, thì quan hệ trái quyền chuyển sang quan hệ trả cho nhau những gì mà các bên đã nhận từ quan hệ trái quyền đó.

Có rất nhiều lí do để một bên có thể tuyên bố đơn phương chấm dứt hợp đồng như đã phân tích ở trên, tuy nhiên, có một trong những nguyên nhân đặc biệt, cần phải được xem xét trong quá trình sửa đổi BLDS, đó là việc rút khỏi quan hệ hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi làm mất đi cơ sở, căn cứ của giao dịch. Pháp luật cần phải quy định rõ ràng đối với trường hợp này. Một ví dụ cho trường hợp hoàn cảnh thay đổi đó là,  khi giao kết hợp đồng cả hai bên đếu không lường trước được trường hợp là nhà nước có chính sách cấm nhập khẩu một số loại hàng hoá, làm mất đi cơ sở của giao dịch, người có nghĩa vụ không thể giao hàng cho bên mua. Vì vậy, pháp luật cần cho phép một bên được đơn phương rút ra khỏi hợp đồng và không đòi hỏi phải có yếu tố lỗi, mục đích là đảm bảo tính hợp lý, linh hoạt, thiết lập lại sự công bằng khi lợi ích của các bên không được cân đối.

Huỷ bỏ hợp đồng và đơn phương chấm dứt hợp đồng

Việc sử dụng hai khái niệm này ở Đức cũng chưa thống nhất cho nên dẫn đến có sự hiểu nhầm là chúng giống nhau. Trường hợp huỷ bỏ hợp đồng: quan hệ hợp đồng được huỷ bỏ và chuyển hoá thành quan hệ trả lại cho nhau những gì đã nhận được từ quan hệ hợp đồng đó. Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng: quan hệ hợp đồng được chấm dứt từ thời điểm đơn phương tuyên bố và tương lai không tồn tại quan hệ này nữa, những gì đã thực hiện trong quá khứ thì vẫn tồn tại và được giữ nguyên như vậy. Việc đơn phương chấm dứt không chỉ xảy ra trong quan hệ hợp đồng mà còn xảy ra trong những quan hệ khác như cầm cố, nợ điền địa.

Tuyên bố vô hiệu hợp đồng

Quan hệ hợp đồng vô hiệu từ thời điểm ban đầu và căn cứ của việc vô hiệu hợp đồng là những thiếu sót ngay tại thời điểm ký kết hợp đồng, ví dụ như nội dung hợp đồng trái đạo đức, tập quán, vi phạm điều cấm… Hậu quả pháp lý là các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận được.

Như vậy, khi một bên có vi phạm nhưng không có lỗi thì phía bên kia có quyền huỷ bỏ hợp đồng. Đây có thể coi là chuẩn chung của quốc tế, chỉ cần có vi phạm hợp đồng là có quyền đơn phương huỷ bỏ hợp đồng, không tuỳ thuộc vào việc bên vi phạm có lỗi hay không. Tuy nhiên, để đòi bồi thường thiệt hại thì phải tính đến yếu tố lỗi. Người vi phạm nếu có lỗi thì phải bồi thường thiệt hại còn không có lỗi thì không phải bồi thường thiệt hại.

BLDS Việt Nam 2005 cũng quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng và huỷ bỏ hợp đồng,  hợp đồng vô hiệu và hậu quả pháp lý của nó. Khi một hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu thì chính bản thân hợp đồng đó đã không đảm bảo những điều kiện cần của một hợp đồng có hiệu lực. Quan điểm luật pháp của Việt Nam và Đức là giống nhau. Nếu một hợp đồng bị tuyên vô hiệu thì có nghĩa hợp đồng đó chưa bao giờ có hiệu lực, còn hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thì những phần đã thực hiện sẽ được các bên thanh toán cho nhau còn những quyền nghĩa vụ chưa thực hiện thì bị chấm dứt. Hợp đồng bị huỷ bỏ thì không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, vì vậy mà nó không làm phát sinh bất kỳ một nghĩa vụ pháp lý nào, nhưng nếu bên nào có lỗi làm hợp đồng bị huỷ bỏ thì phải bồi thường cho bên bị thiệt hại.

Như vậy, về mặt nội dung thì pháp luật Đức có các công cụ để chấm dứt hợp đồng, đó là: (i) tuyên bố vô hiệu hợp đồng do cơ sở hình thành ban đầu bị thiếu sót như giao dịch trái tập quán, vi phạm về hình thức… Trong trường hợp đó hợp đồng không có hiệu lực ngay từ ban đầu, do có thiếu sót từ đầu nên hợp đồng vô hiệu từ ban đầu, nếu đã trót thực hiện những gì thì các bên sẽ đòi lại nhau trên cơ sở đắc lợi vô căn ; (ii) huỷ bỏ hợp đồng trong trường hợp nó không được thực hiện đúng theo hợp đồng: một bên có quyền đơn phương huỷ bỏ hợp đồng do một bên thực hiện không đúng hoặc không thực hiện, quan hệ hợp đồng chuyển thành hoàn trả cho nhau những gì mà các bên đã nhận được.

Liên quan đến giao dịch vô hiệu do có  sai xót trong tuyên bố ý chí, ví dụ như trái tập quán, không đáp ứng yêu cầu về hình thức…, có một  vấn đề quan trọng mà pháp luật cần điều chỉnh, đó là việc một tuyên bố ý chí đưa ra do bị nhầm lẫn, đe dọa, lừa dối thì xử lý như thế nào? Theo quy định của pháp luật Việt Nam, những tuyên bố ý chí do bị đe dọa, lừa đối, nhầm lẫn sẽ bị vô hiệu. Theo pháp luật Đức thì cách xử lý lại khác, những trường hợp như thế không đương nhiên vô hiệu, trừ khi người bị đe dọa, lừa dối, nhầm lẫn có tuyên bố và tuyên bố này hủy bỏ tuyên bố ý chí trước đó. Theo pháp luật của hai nước thì hậu quả giống nhau nhưng cách thức khác nhau. Theo pháp luật Đức, nếu người đó biết bị lừa đối, đe dọa, nhầm lẫn nhưng thấy vẫn có lợi ích nên không thích hủy giao dịch thì giao dịch không đương nhiên vô hiệu mà có thể giải quyết vấn đề này bằng cách yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Bồi thường thiệt hại

BLDS quy định rất chung chung về vấn đề này. Trước đó người ta cũng tạo cho người có nghĩa vụ khả năng khắc phục được thiệt hại xảy ra ví dụ người có nghĩa vụ cung cấp 1 đồ vật có lỗi thì trước tiên người có nghĩa vụ được tạo điều kiện khắc phục lỗi khuyết tật đó, nếu không được mới phải bồi thường thiệt hại. Khác với chế định huỷ bỏ hợp đồng là không nhất thiết phải có lỗi của người có nghĩa vụ, chế định bồi thường thiệt hại yêu cầu người có nghĩa vụ phải có lỗi.

2. Trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng

Trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng là trách nhiệm do xâm phạm trái phép vào quyền, tài sản, thân thể người khác. Quan hệ pháp luật được hình thành thông qua hành vi trái pháp luật gây ra cho người khác. Việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đều được áp dụng trên nguyên tắc bồi thường do có lỗi: người nào do cố ý hoặc vô ý gây lại cho người khác thì phải bồi thường thiệt hại. Về nguyên tắc trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng phải có lỗi nhưng vẫn có một số trường hợp ngoại lệ đó là việc chịu trách nhiệm do nguồn nguy hiểm thì không phụ thuộc yếu tố lỗi Ví dụ như chịu trách nhiệm do làm ô nhiễm môi trường, hạt nhân nguyên tử, tham gia giao thông mà gây tai nạn cho người khác… thì phải chịu trách nhiệm dù cho không có lỗi. Tuy nhiên, nguyên tắc chịu trách nhiệm do nguồn nguy hiểm không áp dụng đối với trường hợp bất khả kháng.

Trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng của Đức được quy định ở các điều từ Điều 823 đến Điều 853 BLDS Đức. Khoản 1 Điều 823 quy định: người nào, cố ý hoặc bất cẩn, mà gây thiệt hại cho tính mạng, cơ thể, sức khoẻ, tự do, tài sản hoặc quyền của người khác thì có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại đối với thiệt hại phát sinh từ hành vi đó. Điều này tương tự như Điều 604 BLDS 2005 của Việt Nam. Khoản 2 Điều 823 quy định một người phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người khác trong trường hợp anh ta vi phạm một luật để bảo vệ một người nào đó, ví dụ như vi phạm Bộ luật hình sự. Điều 826 quy định: một người cố ý hoặc vô ý làm trái với chính sách công gây thiệt hại cho người khác thì phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Điều kiện để áp dụng Điều 823 Khoản 1 đó là: có hành vi vi phạm (hành vi thực hiện hoặc không thực hiện) dẫn đến việc xâm phạm tính mạng, sức khỏe tài sản… của người khác; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại phát sinh; hành vi vi phạm phải trái pháp luật và có thiệt hại phát sinh (quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại phát sinh).

Đối tượng được bảo vệ theo Điều 823 bao gồm: tài sản, tính mạng, sức khoẻ, thân thể (giống Điều 604 BLDS Việt Nam), tự do của con người (đối tượng bị bắt nhốt, giam) và quyền. Những vật quyền được bảo vệ ở Điều 823 là những vật quyền có tính chất tuyệt đối, loại bỏ sự can thiệp của người khác. Ngoài những quyền được bảo hộ sở hữu trí tuệ như quyền sở hữu công ngiệp, quyền tác giả… thông qua hoạt đông xét xử toà án cũng quy định những quyền khác được bảo vệ như các quyền chung về nhân thân như danh dự, nhân phẩm…. Bộ luật dân sự Đức không nói rõ về các quyền nhân thân như BLDS Việt nam nhưng chúng đều được bảo vệ (Việt Nam quy định trong luật còn Đức thì thông qua toà án).

– Về tính trái pháp luật của hành vi: khi xác định hành vi đó có trái pháp luật không người ta thường phải cân đối lợi ích giữa 2 bên để xem hành vi đó có trái pháp luật không. Thông thường, một hành vi bị coi là trái pháp luật khi nó làm sai đi mong muốn của người có quyền.

– Việc chứng minh hành vi trái pháp luật: bên bị buộc tội có nghĩa vụ chứng minh hành vi của mình không trái pháp luật nếu muốn được gỉải phóng khỏi trách nhiệm.

 – Yếu tố lỗi: xem xét người có hành vi đó có năng lực hay không (Điều 827, 828 BLDS Đức) Nếu một người bị rơi vào tình trạng vô thức có hành vi gây hại cho người khác thì có nghĩa là họ đã không làm chủ được hành vi của mình nên không có lỗi và không bị chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, nếu người đó tự uống rượu, bia gây lỗi thì phải chịu trách nhiệm (Điều 615 BLDS Việt Nam chặt chễ hơn: bao gồm cả chất kích thích khác và gồm cả trường hợp một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức…). Theo quy định của Đức thì phải tự bản thân anh ta uống bia, rượu mới phải chịu trách nhiệm.

Theo quy định của Điều 828 BLDS Đức thì: trẻ em chưa đủ 7 tuổi không phải chịu trách nhiệm cho thiệt hại mà mình gây ra cho người khác (Khoản 1); trẻ em từ 7 đến 10 tuổi khi tham gia giao thông không phải chịu trách nhiệm cho thiệt hại mà họ gây ra trừ trường hợp nó cố ý gây hại (Khoản 2); người chưa đến 18 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình khi họ ý thức được hành vi của họ (Khoản 3).

– Các hình thức của lỗi cố ý và vô ý

Theo pháp luật Đức thì lỗi cố ý là việc một người mong muốn thực hiện hành vi trái pháp luật, còn lỗi vô ý là việc một người hành động không cẩn thận một cách cần thiết mà nhẽ ra mình phải hành động cẩn thận.

– Nguyên tắc bồi thường: bồi hoàn tổng thể những gì đã mất; bồi thường thực tế (người gây hại có nghĩa vụ tái thiết lại thực trạng như khi trước khi gây hại, người bị hại có quyền yêu cầu người gây hại bồi thường trực tiếp hoặc thuê người khác tái thiết lại), ví dụ khi làm hỏng ôtô, người gây hại không biết sửa phải thuê người khác sửa hộ. Nếu bồi thường bằng hiện trạng tự nhiên không thực hiện được thì người ta có thể yêu cầu bồi thường bằng tiền.

Điều 253 BLDS Đức quy định về bồi thường thiệt hại phi vật chất (tiền đau thương). Ở Việt Nam cũng quy định về bồi thường thiệt hại do bị tổn thất về tinh thần nhưng khác so với quy định của Đức ở chỗ: Đức quy định việc bồi thường chỉ thực hiện trong những trường hợp cụ thể do luật định. Mức tiền bồi thường không quy định cụ thể trong luật mà toà án qua hoạt động thực tế sẽ đưa ra những quy định cụ thể, phù hợp.

– Quyền yêu cầu chấm dứt hành vi để ngăn chặn thiệt hại xảy ra

Ngoài các chế định về việc đòi bồi thường thiệt hại khi có thiệt hại xảy ra, Điều 1004 BLDS Đức cho phép chủ sở hữu được quyền yêu cầu người gây thiệt hại (người gây cản trở đối với quyền sở hữu) chấm dứt hành vi mà họ đang thực hiện  nhằm ngăn chặn những thiệt hại có thể phát sinh. Ví dụ hàng xóm của một người thường xuyên cho xe chạy qua vườn của họ và gây thiệt hại cho mảnh vườn đó. Nếu theo Điều 523 thì mỗi lần như vậy chủ sở hữu có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại, nhưng vấn đề là bồi thường xong người đó lại vẫn tiếp tục gây thiệt hại. Theo Điều 1004 thì chủ sở hữu có thể yêu cầu anh ta phải chấm dứt và khắc phục những thiệt hại đã xảy ra. Điều 1004 chỉ áp dụng với quyền sở hữu nhưng thực tiễn áp dụng đã mở rộng phạm vi ra cả những quyền ở Điều 823 Khoản 1. Theo Điều 1004 thì chủ sở hữu có 2 quyền: quyền yêu cầu chấm dứt hành vi gây thiệt hại và quyền yêu cầu phục hồi lại. Quyền yêu cầu chấm dứt có mục tiêu là hướng đến tương lai. Điều kiện thực hiện quyền yêu cầu chấm dứt hành vi này là: có sự xâm phạm quyền sở hữu, quyền tuyệt đối quy định ở Điều 823, có sự gây rối, gây ảnh hưởng với các quyền của ngươi ta, phải có nguy cơ gây hại. Người có nguy cơ bị thiệt hại có quyền yêu cầu người có nguy cơ gây thiệt hại chấm dứt hành vi gây thiệt hại. Quyền yêu cầu chấm dứt hành vi này không phụ thuộc vào vấn đề lỗi. Quyền yêu cầu khắc phục lại tình trạng cũng không phụ thuộc vào lỗi, ví dụ khi thấy cái cây nghiêng sang nhà mình và có nguy cơ đổ xuống nhà mình thì chủ sở hữu ngôi nhà có quyền yêu cầu chủ sở hữu cái cây phải dựng lại cái cây đó để tránh nguy cơ gây thiệt hại cho ngôi nhà, mặc dù chủ sở hữu cái cây chưa hề có lỗi.

Trách nhiệm sản phẩm

Trách nhiệm đối với sản phẩm có khuyết tật được quy định ở một luật riêng gọi là Luật trách nhiệm sản phẩm trên cơ sở chuyển hoá các quy định của liên minh Châu âu. Các quy định của liên minh Châu âu được ra đời từ năm 1965 và được Đức nội luât hoá vào  năm 1986.

Một sản phẩm được coi là sản phẩm có khuyết tật khi sản phẩm đó không đáp ứng yêu cầu về đảm bảo an toàn thông thường. Một con dao sắc quá cũng không coi là sản phẩm lỗi hay hút thuốc có khói cũng không coi là lỗi của sản phẩm (những rủi ro mà người bình thường có thể biết trước được thì không coi là sản phẩm có lỗi). Do đó, khi xem xét lỗi của nhà sản xuất thì người ta sẽ xem xét xem nhà sản xuất đã thực hiện đủ các nghĩa vụ của mình chưa, ví dụ nghĩa vụ theo dõi quá trình sản xuất, nghĩa vụ thông báo… Người sản xuất thường được xác định là nhà sản xuất cuối cùng, đồng thời, nhà sản xuất cũng có thể là người nhập khẩu, người cung cấp nguyên vật liệu…

Thông thường, đối với các thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra thì người bị thiệt hại có nghĩa vụ chứng minh sự thiệt hại của mình và chứng minh lỗi của bên gây ra thiệt hại, nếu không chứng minh được thì người đó không có quyền yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp việc chứng minh này là rất khó khăn, ví dụ như việc chứng minh người sản xuất có lỗi gì trong quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm có khuyết tật và gây thiệt hại cho người sử dụng là việc không đơn giản đối với người sử dụng. Xuất phát từ thực tiễn cho nên toà án dân sự lên bang đã phán quyết và xác định: trong những trường hợp như vậy, người có nghĩa vụ chứng minh là những người bị kiện. Nếu muốn bảo vệ mình và không phải chịu trách nhiệm bồi thường thì họ có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi. Năm 1998, ở Đức có một vụ việc là: gà mắc bệnh nhưng vẫn được đưa ra bán trên thị trường mặc dù số gà này đã được tiêm chủng nhưng vẫn bị mắc bệnh. Người ta suy đoán có thể do thuốc tiêm không bảo đảm vệ sinh nên dù tiêm thuốc rồi gà vẫn không miễn được dịch. Từ những thực tế như vậy, người ta thấy rằng để bắt người sử dụng chứng minh việc nhà sản xuất có lỗi trong việc sản xuất thuốc khiến gà vẫn bị dịch là khó khăn, cho nên, thay vì yêu cầu người sử dụng chứng minh thì toà án yêu cầu người bị kiện phải chứng minh. Nếu họ không thể chứng minh là mình không có lỗi thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm.

Các nghĩa vụ thông thường của người sản xuất bao gồm:

– Liên quan đến cấu trúc của vật: phải thiết kế sản phẩm có cấu trúc đáp ứng yêu cầu về an toàn;

– Nghĩa vụ theo dõi quá trình sản xuất: không được sản xuất ra sản phẩm có lỗi;

– Nghĩa vụ hướng dẫn người tiêu dùng: cung cấp thông tin chính xác, trung thực cho người tiêu dùng

– Nghĩa vụ theo dõi sản phẩm khi đưa ra thị trường: nếu thấy có vấn đề gì phải xử lý kịp thời, ví dụ cảnh báo người tiêu dùng, thu sản phẩm về….

Ngoài nhà sản xuất chịu trách nhiệm, người cung cấp một phần cấu thành sản phẩm cũng phải chịu trách nhiệm đối với sản phẩm của họ.

Như vậy, việc người sản xuất phải chịu trách nhiệm không phụ thuộc vào lỗi của nhà sản xuất mà là phụ thuộc vào lỗi của sản phẩm khi đưa ra thị trường. Tuy nhiên, liên quan đến việc gây thiệt hại đối với quyền sở hữu đồ vật thì cần phải có yếu tố lỗi của người sản xuất khi làm ra vật, vật phải được sử dụng và thiệt hại là do sản phẩm có khuyết tật gây ra.

Người sản xuất có thể được miễn trách nhiệm trong một số trường hợp, ví dụ như: vào thời điểm đưa sản phẩm vào thị trường, với trình độ khoa học, kỹ thuật hiện tại lúc đó chưa thể xác định được thiệt hại có thể xảy ra (gọi là lỗi rủi ro phát triển), tuy nhiên việc miễn trách nhiệm này không áp dụng cho lĩnh vực thuốc tân dược; hoặc là sản phẩm bị khuyết tật phát sinh trong quá trình vận chuyển hoặc trong quá trình sử dụng của người sử dụng…  Trong quá trình vận chuyển, nếu có hợp đồng giữa nhà sản xuất và người vận chuyển thì sẽ căn cứ theo hợp đồng để bồi thường. Còn nếu không có hợp đồng thì lại áp dụng theo Điều 823 để xác định lỗi hay không.

Theo quy định của Luật trách nhiệm sản phẩm của Đức thì đối với các thiệt hại về vật, người bị thiệt hại chỉ được kiện khi bị thiệt hại từ 500 euro trở lên. Do đó, có thể thấy quy định về trách nhiệm sản phẩm trong Luật này không có ý nghĩa lớn so với trách nhiệm chung do vi phạm nghĩa vụ ở BLDS.

Về phạm vi trách nhiệm: trong trường hợp có người chết do sản phẩm có khuyết tật gây ra thì việc bồi thường bao gồm các chi phí như: chi phí chữa chạy, ma chay, giảm sút thu nhập, tiền đau thương… Nếu bị thiệt hại về người do sản phẩm khuyết tật gây ra thì nhà sản xuất chỉ phải chịu trách nhiệm tối đa là 85 triệu euro, điều này giúp cho nhà sản xuất hạch toán  trước được các rủi ro có thể xảy ra, hạn chế các trường hợp phá sản. Đây là quy định bắt buộc, không ai có thể thoả thuận với người tiêu dùng là miễn trách nhiệm cho người sản xuất.

Như vậy, nếu so sánh các quy định chung về trách nhiệm bồi thường trong BLDS và các quy định về trách nhiệm do sản phẩm gây ra theo Luật trách nhiệm sản phẩm thì các quy định chung có những ưu điểm sau đây:

– Người bị thiệt hại có thể yêu cầu bồi thường đối với bất kỳ thiệt hại nào, không phụ thuộc vào giá trị thiệt hại (ngay cả đối với thiệt hại có giá trị dưới 500euro).

– Đồ vật có khuyết tật không nhất thiết phải sử dụng cho mục đích cá nhân của người đó (có thể mua để cho người khác sử dụng, cho cả mục đích kinh doanh…).

– Không có mức bồi thường tối đa (căn cứ vào thiệt hại thực tế xảy ra để tính mức bồi thường).

Tuy nhiên, nếu áp dụng theo các quy định chung về trách nhiệm bồi thường thì điểm bất lợi của nó là người yêu cầu bồi thường cần phải chứng minh yếu tố lỗi của người gây thiệt hại.

Ths. Nguyễn Thị Hạnh, Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế

Tham khảo thêm các bài viết:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191